Tập đoàn Sơn Hải nổi tiếng với QL10 và QL14 khi cắm những tấm biển bảo hành 5 năm không nứt lún, vừa khẳng định chất lượng vừa để người dân tham gia giao thông cùng giám sát. Vừa qua, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải vừa được Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn làm nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nha Trang – Cam Lâm.

Tập đoàn Sơn Hải trúng thầu cao tốc Nha Trang – Cam Lâm

Dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm có tổng vốn đầu tư là 5.536,15 tỷ đồng, gồm vốn nhà đầu tư khoảng 2.556 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia khoảng 2.979 tỷ đồng. Thời gian xây dựng dự kiến 2 năm, thu phí 16 năm 3 tháng 28 ngày.

Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm dài 49 km, điểm đầu tại Km5+783 xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; điểm cuối tại Km54+00 trùng với điểm đầu dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, thuộc địa  phận xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Dự án được thiết kế 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,2m, vận tốc thiết kế 120 km/h, giai đoạn một quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang – Cam Lâm thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông có thời gian xây dựng 2 năm; thời gian thu phí và vận hành khai thác là 16 năm 3 tháng 28 ngày.

Tổng vốn đầu tư dự án được cập nhật sau bước thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình 5.536,15 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 2.556,99 tỷ đồng; phần nhà nước tham gia trong dự án khoảng 2.979,16 tỷ đồng (phần vốn góp của nhà nước được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án – VGF khoảng 1.800,28 tỷ đồng; phần vốn hỗ trợ của nhà nước khoảng 1.178,88 tỷ đồng thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Đây là dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đầu tiên theo hình thức PPP tìm được nhà đầu tư. Hai dự án PPP còn lại gồm Diễn Châu – Bãi Vọt và Cam Lâm – Vĩnh Hảo đang được Bộ GTVT thẩm định kết quả lựa nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành trong tháng 12.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ký hợp đồng với Tập đoàn Sơn Hải. Sau đó, Sơn Hải có 6 tháng huy động vốn tín dụng từ ngân hàng. Nếu không ký được hợp đồng tín dụng, doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi dự án.

Năng lực của tập đoàn Sơn Hải

Tập đoàn Sơn Hải được thành lập vào tháng 4/1998 tại tỉnh Quảng Bình. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực xây dựng với ngành nghề chính là xây dựng nhà để ở, xây dựng công trình đường sắt, đường bộ, san lấp mặt bằng, trồng trọt, kinh doanh bất động sản.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến tháng 5/2019, Tập đoàn Sơn Hải có vốn điều lệ hơn 2.310 tỷ đồng, sau nhiều lần tăng vốn, trong đó vốn góp là tài sản giá trị quyền sử dụng đất hơn 311 tỷ đồng, vốn góp là tiền hơn 1.999 tỷ đồng.

Từ năm 2014, Tập đoàn Sơn Hải nổi lên là nhà thầu công trình hạ tầng duy nhất tại Việt Nam dám cam kết bảo hành chất lượng 5 năm ( lúc bấy giờ, các đoạn đường thường chỉ được các nhà thầu bảo hành 2 năm) cho các gói thầu thuộc dự án nâng cấp Quốc lộ 1A hay dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh.

Đây là các đoạn đường do Tập đoàn Sơn Hải thi công, đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình (gói thầu số 10 và số 14), tỉnh Đắk Nông (gói thầu số 6). Sơn Hải còn cắm các biển “bảo hành 5 năm” dọc các tuyến đường mà mình thi công để người dân tham gia giao thông cùng giám sát.

Thực tế, với gói thầu số 10 và 14 do Sơn Hải thi công, sau một thời gian dài đưa vào sử dụng vẫn không bị hằn lún vệt bánh xe, trong khi cùng khoảng thời gian đó, nhiều gói thầu khác đã hằn lún rất lớn. Bộ Xây dựng, Bộ GTVT… đã cử hơn 10 đoàn kiểm tra 2 gói thầu này với các chuyên gia, kỹ sư cầu đường uy tín kiểm chứng nhiều điểm trên 2 đoạn tuyến này mới thống nhất trong hội đồng xét giải của Bộ Xây dựng và thống nhất trao cho nhà thầu này giải thưởng chất lượng thi công công trình xuất sắc. Ngoài 2 gói thầu của Sơn Hải, không có gói thầu nào khác đoạt được giải thưởng này.

Nói về hành động này, lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải cho biết: “Tấm biển đó thể hiện trách nhiệm của chúng tôi đối với dự án do chính chúng tôi thi công. Mặt khác, thông tin trên các biển còn giúp cơ quan có thẩm quyền, người dân biết, giám sát việc thực hiện cam kết của nhà thầu”.

Không chỉ tuyên bố bảo hành lâu hơn thông lệ, Sơn Hải còn cam kết nếu hằn lún vượt mức cho phép thì khắc phục bằng phương pháp bóc toàn bộ lên làm lại, chứ không bù lún theo cách mất mỹ quan hay bù lún đơn lẻ như cách mà nhiều đơn vị làm đường khác hay thực hiện. Từ cam kết này, Bộ GTVT đã nâng mức bảo hành 2 năm lên 4 năm đối với tuyến quốc lộ 1A, riêng Sơn Hải vẫn giữ nguyên 5 năm bảo hành.

Đầu năm 2015, Tập đoàn Sơn Hải một lần nữa được nhắc đến là nhà thầu “về đích” đầu tiên trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, và sớm gần 1 năm, ở thời điểm trước Tết âm lịch. Tập đoàn Sơn Hải cũng chính là nhà thầu xây dựng từng được đích danh Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải mời tham gia khắc phục hẵn lún QL5 cũ vào năm 2015.

Sơn Hải cũng từng tham gia vào những dự án có quy mô nghìn tỷ như dự án trọng điểm Quốc gia hồ chứa nước Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng; dự án đường cao tốc La Sơn – Túy Loan đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng; dự án hồ chứa nước Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng; dự án hồ chứa nước Ngàn Trươi, tỉnh Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.

Cuối năm 2019, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã quyết định chỉ định Tập đoàn Sơn Hải thực hiện dự án khu đô thị Nam Cầu Dài – Đồng Hới với tổng mức đầu tư là 2.200 tỷ đồng.

Một số hình ảnh các đoạn đường của Sơn Hải trên Quốc lộ 14:

Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) đoạn từ thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) tới thành phố Kon Tum (Kon Tum) dài gần 600km được khởi công từ năm 2008. Đây được coi là tuyến đường huyết mạch, tuy nhiên do gặp khá nhiều trắc trở nên phải đến năm 2015 đoạn đường này mới hoàn thành.
Sau khi hoàn thành nơi này lập tức được ví von như “dải lụa” vắt dọc mảnh đất Tây Nguyên bởi vẻ đẹp hiếm cung đường nào có được.
Nhờ tuyến đường này, thời gian từ Pleiku về TP.HCM chỉ còn khoảng 12h, rút ngắn đáng kể so với trước đây.

Nguồn: Tổng hợp